CHO CON AN TOÀN HAY SỰ DŨNG CẢM?

AN TOÀN là cái vỏ bọc cho những ai đang sợ hãi. Khi làm cha mẹ, người ta sẽ dùng nỗi sợ của chính họ để xây lên bức tường thành bảo vệ cho con. Họ sợ hãi điều gì thì sẽ làm hết sức để con không rơi vào hoàn cảnh ấy.

– Sợ cuộc sống thiếu thốn vật chất, sợ thua kém người khác, người ta hối thúc các em phải tích lũy nhiều kiến thức để trở nên thành đạt.
– Sợ bị thất bại, người ta làm thay các em tất cả mọi việc.
– Sợ bị đánh giá về đạo đức, người ta dạy các em các quy tắc cư xử một cách sáo rỗng.
– Sợ đau đớn thân xác, sợ mất đi tính mạng, người ta cản trở các em leo trèo, tự dò dẫm bằng đôi chân của mình.
– Sợ tổn hại sức khoẻ, người ta giữ các em không bị ô nhiễm bởi khói bụi, nắng mưa, thực phẩm bẩn, thậm chí sợ cả đất cát, côn trùng, đến nỗi các em chỉ còn một nơi duy nhất có vẻ “an toàn” để ở là trong 4 bức tường.
– Sợ bị tổn thương tinh thần, phát triển lệch lạc, người ta giữ các em tránh xa khỏi những lối ứng xử không giống với quan điểm của họ.

Những nỗi sợ được phóng chiếu lên các em sẽ dần biến thành nỗi sợ của chính các em, dần dần nó khiến các em không còn nhận ra đâu mới là giá trị thật của mình, các em đánh mất bản chất của mình và biến thành những người lớn sợ hãi, luôn tìm một cái vỏ bọc “an toàn” để trú ẩn.

Nhưng cái vỏ ấy có thật an toàn không? Khi của cải mất đi, uy tín không còn, sức khoẻ giảm sút, tai nạn ập đến… thì tìm an toàn ở đâu? Hay sẽ rơi vào cơn hoang mang bấn loạn không có nơi neo bám? Lúc này, chỉ còn cách duy nhất là DŨNG CẢM để vượt qua tất cả. Vậy thì tại sao ta không để trẻ được nuôi dưỡng cái nhân dũng khí ấy ngay từ khi mới lọt lòng?

Ta hãy bước qua những lớp vỏ sợ hãi của chính mình để thấy rằng mọi sợ hãi đều do tưởng tượng mà ra, để thấy dù tất cả những mường tượng về một đời sống kém “an toàn” kia dù có xảy ra thì thật ra ta cũng chẳng hề hấn gì cả. Cuộc sống vốn chẳng hiểm nguy, cũng chẳng an toàn, chỉ là những biến động diễn ra không ngừng, qua mỗi phút giây đều là những điều mới mẻ để ta trải nghiệm, học hỏi. Nếu có cái gì đó thực sự có vẻ an toàn, thì chính là sự DŨNG CẢM khi đối diện với “hiểm nguy”.

Vậy thì, thay vì thúc đẩy, bảo bọc trẻ, ta hãy để các em tự đối diện với những thử thách đầu đời: tự trườn lên để với lấy một món đồ chơi, tự dò dẫm những bước đầu tiên, tự đứng dậy khi vấp ngã, đối diện với những vết trầy xước nhỏ để khi lớn dần lên, nếu thân xác có hư hoại thì cũng không quá bất ngờ.

Hãy để con được thử sức với những trò chơi “nguy hiểm”, leo trèo hay nhảy từ trên cao xuống, để trẻ có khả năng phán đoán, ước tính theo khả năng của mình, nếu có ngã đau, trẻ sẽ biết thận trọng hơn trong những lần sau đó, và cả bài học về cách vượt qua những cơn đau.
Hãy để con được chơi ngoài nắng, cả tắm những cơn mưa, nếu có một cơn cảm sốt ập đến sau đó thì cũng chẳng nghĩa lý gì với những gì mà trẻ khám phá được trước những điều kì diệu của thiên nhiên.
Hãy để con được thử sức với lựa chọn của chính con, nếu có thất bại hay mất mát gì, điều đó sẽ chỉ giúp trẻ dày thêm những kinh nghiệm và cảm nhận.
Hãy để trẻ được va chạm với nhiều nhân cách, để các em biết xã hội là một tổng thể của nhiều sắc thái đa dạng, để trẻ học cách sống hài hoà giữa hàng vạn sự khác biệt và thấu hiểu được những khác biệt ấy.

Cứ thế, một đứa trẻ được nuôi dưỡng dũng khí trong mình sẽ chẳng sợ hãi, sẽ ung dung đi qua những điều vụn vặt tủn mủn mà dám làm những điều ý nghĩa lớn lao hơn nữa. Đừng để tâm trí hạn hẹp của ta giới hạn trẻ, mà hãy mở rộng chính mình, để thực sự có được lòng DŨNG CẢM mà bồi đắp cái nhân ấy trong các em.

Cuộc sống có ý nghĩa gì không khi ta chỉ dùng cả đời mình để chạy trốn sự sợ hãi?

Trả lời