Nhiều người hay than bận rộn mà ít có thời gian cho con. Tôi cho rằng, nếu xem con là sự nghiệp, phụ huynh sẽ tìm được thời gian. Đừng ngại học thức ít, đừng ngại không đủ ngoại ngữ, chỉ ngại tâm mình chưa đủ bình yên…
Tại sao là Dạy con trong “hoang mang”, thưa ông?
Thực sự chưa bao giờ chúng ta lại hoang mang trong việc dạy con như vậy. Hoang mang về định hướng, giá trị gia đình và phương pháp dạy con. Khi mở cửa hội nhập, chúng ta có điều kiện tiếp thu nhiều thành tựu kinh tế, văn hóa ở nhiều mức độ, sắc thái khác nhau. Cho nên những khuôn mẫu cũ đã không còn thích hợp nữa. Vì vậy, chúng ta bắt buộc đi tìm một phương pháp dạy con khác. Và hành trình dạy con đó giống như một người dong thuyền ra biển cả với hy vọng tìm được kho báu. Thế nhưng nếu trong tay chúng ta lại không có bản đồ hay la bàn, nguy cơ lạc vào hoang đảo rất cao.Theo ông, hiện nay các phụ huynh bị “lạc lối” chỗ nào?
Tiếp nhận phương pháp dạy con của Tây phương cứng nhắc. Nhiều phương pháp của họ được sử dụng từ chục năm trước. Khi nó dần lỗi thời ở xứ người thì mình mang về cho là phương pháp tân tiến. Ví dụ một số gia đình VN lại có hình thức thưởng tiền khi con hoàn thành công việc nhà. Họ nghĩ như vậy sẽ dạy cho con sự tự lập và trân trọng giá trị của đồng tiền. Nhưng theo tôi, phụ huynh đã “đi lạc”. Nên cho trẻ cảm thấy vui vẻ vì được lao động, hạnh phúc vì được giúp đỡ cha mẹ. Quy ra tiền, vô tình chúng ta đã biến trẻ thành nô lệ cho tiền bạc. Khi lớn lên, trong vô thức, các em cũng sẽ đi làm chỉ vì tiền chứ không nhận ra niềm hạnh phúc trong lao động hay ý thức về sự đóng góp cho xã hội.Nhiều phụ huynh nghĩ rằng có nhiều tiền là hạnh phúc?
Tôi không tin nhiều tiền là có hạnh phúc. Theo một nghiên cứu về hạnh phúc và thu nhập, thì tương quan tỷ lệ thuận từ 0 đến khoảng 65.000 USD/năm. Sau đó, tiền và hạnh phúc sẽ không tỷ lệ thuận nữa. Với đời sống Mỹ, 65.000 USD/năm là thu nhập của giai cấp trung lưu thấp. Qua đó thấy rằng, con người cần có một đời sống vật chất ở mức tối thiểu. Vượt qua những giá trị vật chất đó thì hạnh phúc phải do chúng ta kiến tạo. Hạnh phúc sẽ phụ thuộc vào định hướng và giá trị sống.Tỉnh thức, xem con là sự nghiệp
Con người sinh ra, đầu tiên gắn bó với gia đình. Sau đó mới đến nhà trường và xã hội. Theo ông, gia đình có vai trò như thế nào trong sự phát triển của một con người? Nhà trường có tiến bộ đến đâu, tài giỏi đến đâu cũng không thể thay thế được hình ảnh của cha mẹ trong tâm thức con cái. Cho nên phụ huynh có trách nhiệm mang một nền giáo dục tại gia tốt đẹp nhất, phù hợp nhất với sự phát triển tâm sinh lý của con mình.Phụ huynh quá bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho con cái?
Hãy bớt tham vọng lại. Hãy nghĩ rằng con cái cũng là sự nghiệp, thì phụ huynh sẽ tự tìm được thời gian. Nếu bạn thực sự yêu cái gì, bạn sẽ kiếm được thời gian cho cái đó. Một điều nữa, đừng ngại có ít thời gian. Nếu trong thời gian ngắn ngủi mà chúng ta sống trọn vẹn trong sự tỉnh thức với con cái, con cái nhận được sự rung động của tình thương yêu từ cha mẹ. Như vậy sẽ tốt hơn việc ngồi bên nhau nhiều giờ nhưng tâm trí lại ở một nơi khác. Có một thực trạng là nhiều phụ huynh đang hoang mang với chính mình, từ đó dẫn đến hoang mang trong việc dạy con. Trong bối cảnh một số giá trị cốt lõi bị mất đi qua nhiều nhân tai thì phụ huynh cũng là nạn nhân. Thế nhưng tôi tin rằng một con người, nếu lấy kim đâm vào da thịt vẫn còn biết đau và vẫn còn khát khao hạnh phúc thì họ đã không đánh mất chính mình hoàn toàn. Một dòng sông tưởng rằng cạn kiệt, chỉ còn lại bùn lầy và sỏi đá đó. Chỉ cần người thấu hiểu là có thể khơi lại nguồn nước trong lành. Dòng nước ấy có thể lại tuôn tràn, tưới mát cho bao nhiêu cánh rừng, làng mạc và những cánh đồng nữa. Vấn đề người khơi nguồn ấy là ai? Tôi nghĩ, giới trí thức phải có trách nhiệm này. >> Con vượt trội, cha mẹ tự hàoPhỏng vấn tiến sĩ Lê Nguyên Phương – Báo Thanh Niên