Ngày tết Trung thu là một trong những dịp được các em nhỏ yêu thích nhất. Cùng ABA tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày tết Trung thu nhé.
Phong tục tết Trung thu của người Việt
Ngày tết Trung thu của người Việt diễn ra vào 15 tháng 8 âm lịch. Vào mỗi ngày tết trung thu, mỗi gia đình thường có một mâm cỗ cúng gia tiên và một mâm cỗ “trông trăng”.
Theo truyền thống, vào tết Trung thu, trẻ con sẽ đi rước đèn, ca hát, múa lân. Người lớn cùng nhau uống trà, trò chuyện. Tất cả mọi người đều sẽ vui đùa dưới ánh trăng và cùng nhau phá cỗ.
Ngày nay, tết Trung thu mang đậm phong vị thời hiện đại hơn. Các gia đình thường tổ chức đi chơi, hoặc “ăn tết” tại các khu vực tập trung. Tuy có nhiều nét khác xưa nhưng vẫn giữ được những màu sắc cổ truyền như mâm cỗ trông trăng, đèn ông sao, kéo quân và những trò chơi, bài hát truyền thống.
Sự tích về ngày Tết Trung thu
Tết Trung thu là một trong những Tết cổ truyền của nhiều nước châu Á. Mỗi quốc gia lại có những câu chuyện về Tết Trung thu khác nhau.
Nếu như ở Trung Quốc, tết trung thu gắn liền với tích truyện thời vua Đường Minh Hoàng hay tích truyện về Hậu Nghệ thì ở Việt Nam sự tích Tết trung thu gắn liền với chú Cuội.
>>>>> Sự tích chú Cuội cung trăng
Từ mặt đất nhìn lên cung chăng, ta thấy những vết loang lổ giống cây đa. Cây đa đó chính là cây thuốc quý không may bị bay lên trời. Cuội vì muốn giữ cây ở lại nên cố kéo. Nhưng cây bay mãi đưa cả cuội lên cung trăng. Từ đó, mỗi lần nhìn lên cung trăng ta lại thấy hình như bóng một người nhỏ bé đang nhìn xuống mặt đất từ cây đa.
Ý nghĩa ngày Tết Trung thu
Dịp báo hiếu cha mẹ, cầu mong một mùa ấm no
Ở Việt Nam, Tết Trung thu gắn liền với phong tục, tập quán của cha ông. Vào dịp rằm tháng 8 khi mùa vụ vừa kết thúc, nhà nhà thảnh thơi. Đây cũng là lúc người dân tổ chức lễ hội để tạ ơn trời đất sau một vụ mùa bội thu.
Vào ngày rằm tháng 8, trăng tròn và sáng nhất năm. Lễ hội mặt trăng hay Tết trung thu chính là lễ hội để tạ ơn trời đất và cầu mong vụ tới mưa thuận gió hòa. Người thân quây quần bên nhau trò chuyện. Con cháu mời ông bà, bố mẹ những miếng bánh nướng, bánh dẻo, ngụm trà. Mặt trăng tròn đầy chính là biểu tượng của sự no ấm, trọn vẹn tình thân.
Tết của thiếu nhi
Tết trung thu, người lớn dành phần ưu ái cho trẻ con nhiều hơn. Bởi trong khoảng thời gian nghỉ ngơi it ỏi của năm, người ta có dịp dành cho con trẻ thời gian trọn vẹn. Bọn trẻ có thể ăn uống và vui đùa thoải mái mà chẳng lo bị trách mắng. Khi trẻ em đánh trống gọi bạn, rước đèn, ta luôn bắt gặp hình ảnh những ông Địa, Lân Sư Rồng,..tượng trưng cho sự hiền hòa, vui vẻ và mang điềm may mắn.
Chăm lo đến trẻ con, mong ước về một tương lai tươi sáng. Đây cũng là một nét ý nghĩa độc đáo của Tết trung thu tới thế hệ tương lai.
Người Việt đón Tết Trung thu
Trung thu truyền thống
Để chuẩn bị cho ngày Tết Trung thu, các em nhỏ cùng nhau làm đèn lồng, đèn ông sao và hay tò he,… Hoặc cùng nhau đi chợ để mua những đồ trang trí cần thiết. Mọi người cùng nhau làm những chiếc bánh nướng, bánh dẻo.
Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác.
Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.
Trong dịp tết Trung thu, người ta thường thấy những chú Lân Sư Rồng và ông Địa may mắn. Những điệu trống thùng thình và điệu hát trống quân vang vọng. Thêm vào đó là những tiếng reo hò khúc khích của những đứa trẻ.
Tết trung thu hiện đại
Ngày nay, Tết Trung thu có phần khác xưa. Mỗi dịp Tết Trung thu, gia đình có thể cùng nhau đi mua sắm hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo và đồ trang trí. Mẫu mã đèn lồng hiện đại hơn, các loại bánh Trung thu cũng được biến tấu đa dạng hơn. Các trò chơi cho thiếu nhi cũng trở nên đa dạng.
Tuy Tết Trung thu có nhiều nét thay đổi nhưng ý nghĩa ngày tết Trung thu và những niềm vui con trẻ vẫn còn lưu giữ mãi trong tiềm thức người Việt
ABA – Cùng các em vui đón Tết trung thu