ĐẦU NĂM DẠY CON QUẢN LÝ TIỀN VÀ CÁCH XÀI TIỀN LÌ XÌ HỢP LÝ

Kết thúc Tết, mỗi bạn nhỏ đều có 1 số tiền lỳ xì của mình. Làm thế nào để con tiêu dùng số tiền này một cách hợp lý? Cùng ABA tìm hiểu qua tip ngắn dưới đây về dạy con quản lý tiền.

———–
Nói về Tiền thì nên dạy cho con điều gì CỐT LÕI nhất? giá trị đồng tiền, ý nghĩa đồng tiền, quản lý tiền, tiết kiệm chi tiêu, làm gì với tiền lì xì?…
Thay vì dạy con ý nghĩa đồng tiền, dạy con ý nghĩa của việc tạo ra giá trị.
Tiền là cái cần, không phải cái để muốn, càng không phải là mục đích cuộc sống. Tất cả chúng ta đều tạo ra giá trị, có người ít, có người nhiều nhưng chung quy lại có 2 nhóm người:


1. Những người tạo ra và cho đi ngay lập tức.


2. Những người tạo ra và tích lũy.


Những người có tiền nhiều là do họ tích lũy. Một người không có nhiều tiền không có nghĩa họ tạo ra giá trị ít.


Giá trị tạo ra của 1 người được đo lường bằng số lượng người và mức độ mà bạn giúp họ sống hạnh phúc.


Tất cả những vĩ nhân làm cho thế giới này tốt hơn, nhân loại sống tốt hơn đều không phải là người có nhiều tiền! Loài người bắt đầu sống sai từ khi tích lũy vật chất.

Trước khi dạy kiếm tiền, dạy con có ít tiền (thậm chí không tiền) vẫn sống tốt.
Nhiều người vẫn có ý định dạy con giá trị của tiền bằng cách cho con thực hành việc kiếm tiền.


Lúc nhỏ thì khuyến khích con làm việc nhà để được cho 1 ít tiền. Lớn lên 1 chút, dạy con làm thủ công, vẽ tranh rồi đem bán lấy tiền để con đo lường được giá trị của sự lao động.


Có cha mẹ khuyến khích con bắt đầu đi làm từ khi lên lớp 10, chỉ là công việc đơn giản như chạy bàn ở nhà hàng hoặc quán cà phê, cốt yếu là để con tập lo cuộc sống của chính mình.


Những phương pháp dạy con này đều tốt, nhưng vấn đề nằm ở chỗ sau khi con kiếm tiền rồi thì tiền đó làm gì. Chúng ta sẽ nói rõ ở phần tiếp theo.


Bây giờ ta xét đến một yếu tố mà cha mẹ thường không dạy cho con mình, đó là năng lực sống với rất ít tiền. Thay vì chúng ta chuẩn bị cho 1 chuyến du lịch tới những nơi sang trọng, khách sạn tốt, ăn đủ 3 bữa buffet, rồi những tour giải trí, những show diễn ban đêm mà giá rất cao, chúng ta hãy dành ít nhất 1 lần trong đời làm 1 chuyến du lịch 0 đồng.


Hãy ra khỏi nhà với hành lý đơn giản nhất, không cần xác định điểm đến cụ thể vì mục đích của chuyến đi là hành trình chứ không phải điểm đến. Khi không có tiền trong túi thì con người tự khắc sống bằng bản năng sinh tồn, tự biết cách nào để tổn tại. Đi xe nhờ, giúp người để có được cái ăn, chùa hoặc nhà thờ luôn là chỗ ngả lưng qua đêm.


Ở trường Tuệ Đức cũng có 1 tour tương tự như vậy cách đây vài tháng. Các em học sinh lớp 8 ra khỏi nhà từ 7 giờ sáng, mỗi bạn được 30.000 đồng và phải di chuyển 30 km trong 12 tiếng đồng hồ. Tưởng là khó, nhưng tất cả học sinh đều hoàn tất nhẹ nhàng và vô cùng thích thú vì chuyến đi có quá nhiều bài học hay.

Trước khi dạy cách quản lý tiền, dạy con cách cho đi.
Nhiều cha mẹ dạy con kiếm tiền rất sớm, rồi với số tiền kiếm được đó tự con phải vun vén sao cho đáp ứng được các nhu cầu của chính mình, như ăn sáng, mua đồ dùng học tập, mua đồ chơi… Điều đó rất tốt, nhất là xét ở khía cạnh con hiểu giá trị của sự lao động, biết quý trọng đồng tiền.


Tuy nhiên, hãy thử 1 lần dạy con cho đi, các bạn sẽ nhận được những kết quả không ngờ về lòng biết ơn của con mình. Hơn thế nữa, dạy cho đi còn vun bồi cho con mình năng lực không phụ thuộc vào đồng tiền.


Ví dụ đơn giản nhất là thay vì nói với con nếu con làm tốt việc này bố mẹ sẽ cho tiền để con mua đồ chơi, chúng ta nói nếu con làm tốt việc này bố mẹ sẽ cho con tiền, rồi con sẽ dùng tiền này để giúp cho người khác.


Có thể dạy con làm một số sản phẩm handmade, sau đó đi bán kiếm tiền quyên góp, rồi lấy tiền này đi làm từ thiện.

Cha mẹ có thể dạy gì con với số tiền lì xì trong dịp Tết này?
Đa số cha mẹ quan niệm tiền lì xì là tiền của con, con muốn làm gì là quyền của con. Quan niệm này vô tình làm con ích kỷ, bo bo giữ tiền cho riêng mình.
Mà nguy hiểm nhất là hình thành tư duy chết người: Có 1 cách có tiền mà không phải lao động. Nếu con bạn là nữ thì phải đặc biệt lưu ý điều này vì đó là suy nghĩ dẫn các bạn nữ đến việc phá hỏng chính mình.


Một nhược điểm nữa là vì con xem tiền lì xì là của con nên có quyền mua bất cứ thứ gì con muốn. Nhiều cha mẹ đau đầu vì con sử dụng điện thoại quá mức cần thiết, nhưng khi hỏi ra ai mua điện thoại cho con thì câu trả lời là con tự lấy tiền lì xì mua, cha mẹ không can thiệp được.


Thay vì để con tiêu tiền lì xì, áp dụng phương thức dạy con cho đi, nhất là đối với các bạn ở độ tuổi tiểu học. Ngay trong những đêm Tết các bạn có thể dẫn con ra khỏi nhà vào nửa đêm, quan sát phố xá. Cùng con phân tích trên đường có những người đi chơi, có nam thanh nữ tú đi chơi khuya, bước ra từ những hộp đêm nơi họ chi tiêu 1 đêm bằng 1 năm lương của người lao động. Bạn có thể cho con chứng kiến những người quét rác đêm khuya, hy sinh ngày Tết của mình vì sự sạch sẽ của thành phố. Những điều đó con đâu biết được vì nó chỉ xảy ra trong khi con yên giấc mỗi đêm.
Bạn có thể gợi ý tiền lì xì của con sẽ giúp được rất nhiều những người như thế. Biết đâu con bạn sẽ cho hết số tiền lì xì cho ai đó trong đêm, nhưng niềm hạnh phúc mà con có được là vô hạn. Đứa trẻ làm được việc này là đứa trẻ mà sau này không màng vào tài sản bố mẹ để lại. Đó là nhân để tạo ra quả là 1 đứa trẻ luôn biết ơn, sẵn sàng cho đi trong hạnh phúc.

 Bạn cứ mạnh dạn dạy con những điều này đi, bạn sẽ có 1 đứa con rất khác, không chỉ khác trong chuyện tiền bạc mà khác ở tất cả các khía cạnh làm người tử tế!

(Bài của Thầy Dương Quang Minh – Giám đốc học thuật hệ thống trường Tuệ Đức, chủ nhiệm CLB “Dạy con trong hạnh phúc”.

— —- — — —- — — —-
TRUNG TÂM ABA – Hành động vì hạnh phúc của hàng triệu gia đình Việt Nam
Website: aba.edu.vn
Địa chỉ: số 33 Linh Lang – Ba Đình – Hà Nội
☎️ Hotline: 024 3259 5885 / 0936 008 918 / 0963 443 918
#trungtâmABA
#teambuilding
#event
#dangoaitrainghiem
#Hanhtrinhsongynghia
#Kỹ_năng_sống

Trả lời