Một học sinh chuẩn bị lên lớp 6 của trường Marie Curie Hà Nội đã viết ‘thư ngỏ’ gửi các Hiệu trưởng bày tỏ mong muốn các nhà trường sẽ không thả bóng bay vào ngày lễ khai giảng để bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường từ những điều người lớn chưa bao giờ nghĩ
Nguyễn Nguyệt Linh là học sinh lớp 6, Trường phổ thông Marie Curie Hà Nội. Mới đây, em đã viết thư ngỏ gửi thầy Hiệu trưởng của trường mình nói riêng và các thầy hiệu trưởng nói chung, với thông điệp: “Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của học sinh – giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”. Em cũng bày tỏ mong muốn các trường hãy dừng việc thả bóng bay trong ngày khai giảng năm học mới sắp tới.
Trong bức “tâm thư” của mình, Linh bày tỏ
Kính thưa thầy/cô Hiệu trưởng.
Con là Nguyễn Nguyệt Linh, chuẩn bị năm nay là con lên lớp 6. Năm lớp 5 con là học sinh 5M2, Trường Marie Curie Hà Nội.
Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilong, tức là từ nhựa và khi thả bóng bay lên thì các chú chim hoặc các động vật khác khi nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác được biết là đã bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ.
Vậy nên bây giờ con nghĩ rằng trường mình có thể dừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ? Con chỉ muốn gửi thông điệp: “Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh – giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”.
Hiện nay, thế hệ chúng con bắt đầu quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường. Con rất mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các thầy cô ạ.
Con xin chân thành cảm ơn!
Sự ủng hộ từ thầy Hiệu trưởng đáng kính
Tối 25.7, sau khi đọc được bức thư ngỏ của Nguyệt Linh trên mạng xã hội, phóng viên Thanh Niên đã gửi nội dung bức thư tới thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, và hỏi đây có đúng là học sinh của trường không?
Ngay lập tức, thầy Khang tìm danh sách học sinh mới trúng tuyển vào lớp 6 của trường và xác nhận tác giả của bức thư vô cùng thú vị trên là cô học trò đáng yêu Nguyễn Nguyệt Linh. Linh cũng chính học sinh lớp 5M2 của trường trong năm học vừa qua, năm nay emn là học sinh của lớp 6I2.
“Tôi bất ngờ, xúc động và tự hào về học trò của mình và không thể không nhiệt liệt hưởng ứng lời đề nghị tuyệt vời đó”, thầy Khang nói.
Sau khi để cảm xúc của mình lắng xuống, thầy Khang viết thư trả lời Nguyệt Linh ngay trong đêm 25.7:
Nguyệt Linh thân yêu,
Thầy vừa được đọc lá thư của con, thầy bất ngờ và xúc động vô cùng.
“Không thả bóng bay lên trời để bảo vệ môi trường” – Một ý tưởng đẹp, rất đẹp và ý nghĩa sâu sắc!
Việc thả bóng bay ở lễ khai giảng, nhiều sự kiện ở trường ta và các nơi khác, đã thành một thói quen “sang trọng”. Nhưng không mấy ai nghĩ đến những hệ lụy mà cô học trò bé nhỏ của thầy đề cập trong thư. Đó là kết quả thật đáng tự hào của nhà trường, gia đình và xã hội trong sự giáo dục “thế hệ chúng con” – công dân thế kỷ 21!
Chắc chắn thầy và tất cả các thầy cô trường Marie Curie ủng hộ triệt để đề nghị của con. Lễ khai giảng năm học sắp đến sẽ không còn bóng bay thả lên trời, nhưng tất cả thầy trò trường ta sẽ vui hơn rất nhiều.
Thầy sẽ đặt tên cho lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 là “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của con. Thầy hy vọng việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của thầy trò chúng ta sẽ được nhiều nơi hưởng ứng.
Thầy hạnh phúc vì con!
Thầy Khang
Những suy nghĩ về bảo vệ môi trường của con trẻ người lớn chưa biết
Chia sẻ thêm với phóng viên Thanh Niên, thầy Khang nói một lời đề nghị như vậy từ một cô học trò vừa bước qua cấp tiểu học thực sự khiến những người lớn như chúng ta phải suy nghĩ. Những hành động tưởng như vô hại, thậm chí mang lại niềm vui cho mọi người, lại vô tình làm ảnh hưởng tới môi trường sống.
Gửi thư ngỏ tới 40 thầy cô Hiệu trưởng
Nguyệt Linh cho biết bức thư đã được con gửi email tới 40 thầy cô hiệu trưởng. Và đã có một số thầy cô trả lời với sự đồng tình. Nhưng chắc chắn, bức thư của thầy chính thầy Hiệu trưởng trường mình khiến Linh vui, xúc động và được khích lệ nhiều nhất.
Cô bé yêu môi trường
Giáo viên chủ nhiệm lớp 5M2 của Nguyệt Linh – cô Thu Hà, cho biết Nguyệt Linh là một cô bé có tình yêu đặc biệt tới thiên nhiên, môi trường sống. Em luôn có ý thức cũng như mong muốn mọi người chung tay bảo vệ môi trường.
Không chỉ viết thư, trước đó, Nguyệt Linh cũng đã tự mình làm những clip, vẽ tranh…. kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường sống, giảm tối đa việc sử dụng rác thải nhựa. Cô bé khẳng định: “Chỉ có hành động mới làm nên thay đổi”.
Bài báo đăng trên Báo mới của tác giả Tuệ Nguyễn, số ngày 26/07/2018