ĐIỆU MÚA LÂN VÀ Ý NGHĨA TRONG NGÀY TẾT TRUNG THU

Mỗi dịp Tết Trung thu về, ta lại bắt gặp hình ảnh quen thuộc – chú Lân và ông Địa vui tính trong những điệu múa lân vui nhộn. Vậy điệu múa Lân mang ý nghĩa gì ngày Tết Trung thu. Hãy cùng ABA tìm hiểu nhé.

Truyền thuyết về sự xuất hiện của Lân

Truyền thuyết kể rằng vào thuở khai thiên lập địa, Lân là một con thú rất hung dữ, chuyên ăn thịt người. Mỗi năm, vào dịp trăng sáng nhất – Tết Trung thu, Lân cũng xuất hiện và phá phách. Phật Di Lặc hạ phàm, hóa thân thành ông Địa để chế ngự lân, bảo vệ dân lành. Ông Địa lấy cỏ linh chi cho nó ăn và thu phục được nó. Từ đó Lân biến thành con thú hiền lành không còn quậy phá dân lành. Đặc biệt Lân chỉ biết ăn thực vật.

Chính vì thế, đi cùng Lân luôn thấy ông Địa bụng phệ, đầu hói, mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm quạt mo, mang mặt nạ cười toe toét đi theo giỡn Lân, giỡn khách xem múa.

Ông Địa và chú Lân trở thành biểu tượng mang lại phước lành, may mắn và ấm no tới mọi nhà. Lân xuất hiện, xua đuổi tà ma, nhân dân hạnh phúc, đất đai màu mỡ.

Điệu múa Lân ngày tết Trung thu trong tranh dân gian Đông Hồ

Điệu múa Lân

Đội múa lân thường gồm 3 người. Một người đội đầu lân. 2 người còn lại cầm thân và đuôi lân. Trang phục hóa trang Lân có phức tạp, có đơn giản. Đám múa lân chuyên có trang phục ấn tượng, màu sắc. Còn với trẻ em, lân được thiết kế đơn giản, nhẹ nhất để dễ dàng di chuyển.

Màn múa Mai hoa thung trong điệu múa lân

Khi tiếng nhạc vang lên cùng chiếc quạt ông Địa phất lên hạ xuống, ấy là lúc màn múa lân bắt đầu.

Đặc sắc nhất trong các làn điệu múa Lân phải kể đến là điệu Mai Hoa Thung. Đây là điệu nhảy đỉnh cao của nghệ thuật múa Lân Sư Rồng. Điệu Mai Hoa Thung cũng là điệu khó nhất, đòi hỏi kỹ năng điêu luyện nhất cảu người nghệ nhân.

Những nghệ nhân phải tập luyện và phối hợp nhịp nhàng từng bước chân, điệu nhún. Điệu múa lân thành công cần có sự dẻo dai, kiên trì và can đảm.

Hình ảnh Lân di chuyển điêu luyện và linh hoạt trên cột cao làm người ta liên tưởng đến hình ảnh mọi việc khó khăn đều có thể vượt qua suôn sẻ và tài lộc, thịnh vượng sẽ đến với gia đình.

Niềm vui của cả trẻ em và người lớn

Đi xem Tết Trung thu, người ta không thể không xem múa Lân. Múa Lân không chỉ dừng lại ở nghi thức nữa, mà đó là niềm vui và sự chờ đón của người Việt trong ngày trăng tròn nhất.

Người lớn, trẻ em reo hò theo nhịp trống. Lạ thay, Lân và ông Địa chưa bao giờ khiến trẻ con giật mình hay sợ hãi, mà lúc nào cũng khúc khích cười.

Ở nhiều nơi, không có những đoàn múa Lân chuyên nghiệp. Người ta bắt gặp nhiều hơn những đứa trẻ lắc lư điệu múa Lân. Tiếng lũ nhóc ngây ngô, khúc khích. Điệu múa đơn thuần chỉ đưa lên, đưa xuống đầu lân, sau phất phất đuôi lân dưới ánh trăng rằm. Chú Kỳ Lân và ông Địa tự bao giờ trở thành một phần đặc biệt trong niềm vui mỗi khi Tết Trung thu về.

 (Theo helio center)

Một mùa Trung thu nữa đang gần kề, ABA chúc cho các em học sinh và các gia đình AN NHIÊN, HẠNH PHÚC, TRÒN ĐẦY như trăng rằm tháng tám.

Để lại một bình luận