TẠI SAO CHA MẸ LẠI ÉP CON NHƯỜNG ĐỒ CHƠI?

Việc ép con nhường đồ chơi cho bạn bè, các em nhỏ khi đến nhà chơi là việc thường thấy ở nhiều gia đình. Có những em trong tình huống đó thì vui vẻ, có những em lại vô cùng tức giận. Nhìn từ phía con trẻ, việc ép nhường đồ chơi sẽ như thế nào? Có bao giờ cha mẹ trả lời câu hỏi của con: “Tại sao cha mẹ lại ép con nhường đồ chơi chưa?”

Câu chuyện kể rằng

Có một cậu bé cố gắng học để nhận phần thưởng là cái ván trượt mới tinh. Ấy thế mà mẹ con người họ hàng đến chơi và đứa bé cứ ôm chặt cái ván trượt vòi vĩnh, gào khóc khiến cậu không giằng lại được. Đã thế mẹ thằng nhóc còn thuyết phục: “Thôi cháu nhường em đi”.

Đúng lúc ấy mẹ cậu bước ra nói: “Cái này con cô chơi hơi bẩn rồi, để cô mang đi lau sạch đã nhé!”, thằng nhóc buông tay và không la khóc nữa.

Mẹ cậu đem món đồ vào buồng, lát sau bước ra tay không. Cô kia hỏi: “Ơ thế cái ván trượt đâu rồi?”. Cậu nghe mẹ đáp rõ từng từ:

– Đây là đồ chơi của con cô, nó cũng thích lắm nên cô không cho được. Nếu cháu thích quá thì nói mẹ cháu mua 1 cái y như vậy nhé.

Cậu bé nhìn mẹ vô cùng ngưỡng mộ và từ đó rất tin vào lời khuyên của mẹ.

Tại sao lại ép con nhường đồ chơi?

Con em năm nay vào lớp Hai, đã biết xin phép ba mẹ mời bạn cùng lớp về nhà chơi. Khi quan sát con chơi chung với bạn, em thấy con mình lòi ra vài biểu hiện “xấu tính xấu nết”: không cho bạn mượn đồ chơi và sách đem về nhà bạn, đang chơi bị bạn mượn thì không đồng ý đưa mà bảo bạn chọn món khác chơi,… Em muốn dạy con trở thành một đứa trẻ lịch thiệp nên bảo con ngừng chơi và nhường bạn thì bé miễn cưỡng, phụng phịu, mất hứng.

Thấy con không vui, em hỏi thì bé nói không đồng ý với mẹ về việc phải chia đồ chơi cho bạn. Mẹ giảng giải thì gân cổ cãi, em phạt con bằng cách hủy buổi đi ăn KFC cuối tuần để con “có thời giờ suy nghĩ”. Hiện hai mẹ con em đang “chiến tranh lạnh” với nhau…

(Trần Xuân Ph. – Củ Chi)

Rất nhiều bậc cha mẹ tin rằng, cần phải dạy trẻ em về sự chia sẻ, sao cho điều đó trở thành một thói quen trong cuộc sống. Thế là những em bé “có giáo dục” bị người lớn ép buộc phải chia sẻ thứ mà bé yêu thích cho người khác với một niềm tin rằng tất thắng rằng: làm vậy mới thực sự là một “bé ngoan”. Nếu không, dù có giữ được món đồ của mình thì trẻ cũng chẳng vui vẻ gì khi bị gán cho tội “trùm sò”, “ki bo”, “kẹt xỉ”, “thần giữ của” thậm chí bị “tiên tri” rằng mai mốt cũng chỉ là “kẻ ích kỷ”, “khó ưa”.

Đó là một sai lầm.

Đừng ép trẻ những việc mà chúng không muốn!

Đã bao giờ cha mẹ thử đặt mình vào vị trí của con chưa? Đã lần nào ba mẹ không hề muốn chia sẻ đồ đạc cá nhân với ai đó chưa? Chẳng hạn vừa khoác tấm áo dài yêu thích đến công ty thì cô đồng nghiệp không thân vồ lấy đòi thử và mượn, chỉ vì nó vừa ý cô ấy ? Cái kính mát đắt tiền mình xài rất cẩn thận bị thằng bạn sĩ diện giật lấy đeo thử cả buổi và cứ kéo tuột ra sau gáy cho có vẻ “sành điệu”, để rồi gọng kính bị doãng ra mỗi lần đeo lại tụt xuống mũi ? Đi đôi giày da xinh xắn cỡ 36 bị cả hội “con Cám” có bàn chân ngoại cỡ xọt ra xọt vào, lại có đứa tiện thể đòi mượn đi về quê chơi cuối tuần? …

Chắc chắn bạn từng đôi lần khó xử đúng không? Bạn từ chối thẳng hay đành cho mượn mà lòng không vui vì sợ bị hư hỏng hoặc mất đồ? Vì thế, đừng ép trẻ làm những việc mà chúng không muốn.

Có người mẹ đã dạy con đức tính chia sẻ bằng cách mở heo đất rồi dắt con đi mua dụng cụ học tập đồng thời mua một món mới tặng bạn nghèo, soạn sách truyện mình đã “hết tuổi đọc” cho các bạn nhỏ hơn, tuân thủ luật chơi trong các trò chơi tập thể, chấp nhận thua khi mình chưa giỏi bằng bạn, không vênh váo khi thắng cuộc. Tự nguyện nhường nhịn bao giờ cũng vui hơn phải không ạ?

Có người cha luôn hỏi mượn trước khi lấy món đồ nào đó của con, và yêu cầu những người khác, kể cả các bé khác cũng làm như thế. Khuyến khích bé cho mượn nhưng cũng phải chấp nhận tình huống bé kiên quyết nói “không”. Ngược lại, yêu cầu bé tôn trọng quyền sở hữu của các bạn khác, của những thành viên khác trong gia đình bằng cách hỏi mượn trước khi lấy đồ của ai đó. Khích lệ, nhưng không ép bé phải nhường, phải chia sẻ bạn ạ.

Thật lòng, tôi không tán thành “chiêu” tước quyền lợi của con khi con mắc lỗi (điểm xấu, làm sai làm hỏng việc gì, không vâng lời cha mẹ,…) theo nguyên tắc “một đổi một”.

Tước đoạt điều gì đó từ trẻ chỉ khiến con thêm đề phòng

Các nhà tâm lý giáo dục khẳng định: việc tước đoạt một thứ gì đó của trẻ (đồ chơi yêu thích, quyển truyện hay, món ăn ngon, giờ xem hoạt hình,…) không phải một hình thức kỷ luật hiệu quả mà chỉ khiến bé hiểu rằng, cha mẹ là người đầy quyền lực, có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Biện pháp mạnh như thế làm trẻ buồn và đề phòng chứ không giúp nó nhận ra lỗi lầm và muốn sửa chữa, sẽ chỉ là một kỷ niệm đau khổ của tuổi thơ.

Càng sai nếu đưa ra mức án phạt không theo lỗi của trẻ mà tùy thuộc phần nhiều vào tâm trạng của người lớn hoặc trừng phạt con xong, ngay sau đó lại tha thứ và bù đắp.

Bạn không nhất thiết phải khuyên bảo con ráng làm “thầy yêu bạn mến“ và được mọi người xung quanh yêu quý. Khả năng hòa hợp và giao tiếp rất quan trọng nhưng đừng dạy bé phải cố làm hài lòng tất cả. Bởi để làm mọi người yêu quý, con bạn sẽ phải hy sinh những sở thích hay mục tiêu của mình.

Đừng ép trẻ nhường đồ chơi của mình để làm vui lòng ai đó. Hãy dạy trẻ tặng quà và giúp đỡ người khác. Cho đi hẳn vui hơn là bị tước đoạt, phải không bạn?

Nguồn: Ths – Bs Lan Hải.
Bài đăng trên tuần san Công giáo & Dân tộc.

Trả lời